Bản tin an toàn thông tin

CẢNH GIÁC VỚI CÁC CHIÊU THỨC LỪA ĐẢO NGÀY CÀNG TINH VI

24/06/2023 20:06 4783 lượt xem

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc sử dụng điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, các hình thức lừa đảo thông qua điện thoại và mạng xã hội cũng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn bao giờ hết.

Các chiêu thức lừa đảo phổ biến qua điện thoại và trên mạng xã hội

 

Qua quá trình điều tra, Công an đã nhận diện và chỉ ra các chiêu thức lừa đảo phổ biến qua điện thoại và trên mạng xã hội.

⛔️ Giả danh cơ quan pháp luật (Công an, Tòa án, Viện kiểm soát…) thông báo vi phạm pháp luật hoặc có liên quan đến các vụ án, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.

⛔️ Giả danh cơ quan doanh nghiệp (Viễn thông, Ngân hàng, Điện lực, Thuế, Bảo hiểm xã hội, Chuyển phát…): thông báo nâng cấp sim 4G, chuẩn hóa thông tin, nợ cước, nâng cấp ứng dụng, khóa sim, có bưu phẩm hoặc, được tham gia chương trình khuyến mại, được tặng sim miễn phí… đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

⛔️ Giả danh người thân quen đang gặp tai nạn cấp cứu hoặc cần vay tiền yêu cầu nạn nhân chuyển tiền gấp.Lừa đảo trúng thưởng: Gọi điện thông báo trúng thưởng (xe, điện thoại,...). Yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tiền.Giới thiệu tìm việc làm tại nhà (qua các kênh MXH như Zalo, Facebook, Tiktok, Instagram… hoặc các sàn thương mại điện tử):

⛔️ Quảng cáo lợi nhuận thu hút người chơi, khi nạp số tiền lớn vào sàn thì sàn sập, không rút được tiền.Chuyển tiền/quà từ nước ngoài về cho, tặng hoặc làm từ thiện… sau đó giả làm nhân viên hải quan yêu cầu đóng thuế để nhận tiền/quà.

⛔️ Cho số lô, số đề để đánh: Để nhận được số phải đóng phí, không trúng thì mất phí. Nếu trúng phải chia hoa hồng cho đối phương.

⛔️ Chuyển tiền nhầm để ép vay: chúng chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân, một thời gian thì yêu cầu trả tiền như một khoản vay và bắt nạn nhân đóng lãi.

⛔️ Lập sàn giao dịch, mua bán hàng trực tuyến ảo: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Đáng chú ý hơn nữa, thời gian gần đây bọn tội phạm còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Deepfake để tạo ra những chiêu trò lừa đảo hiệu quả hơn.

Cuộc gọi lừa đảo Deepfake là gì?

 

Hiện nay các đối tượng lừa đảo có rất nhiều kịch bản giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay người thân, bạn bè gọi điện, nhắn tin đề nghị nạn nhân chuyển tiền cho chúng. Trên các phương tiện truyền thông cũng đã khuyến cáo người dùng về việc xác minh chéo thông tin bằng cách gọi videocall. Chính đối tượng lừa đảo đã nghĩ ra cách thức “hóa giải” này để lừa đảo nạn nhân. Bằng công nghệ AI, dựa trên tệp tin hình ảnh khuôn mặt, giọng nói của một người ngoài đời thực, Deepfake sẽ sử dụng thuật toán để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói phù hợp với nét mặt, biểu cảm của một người khác; sau đó tạo ra video giả mạo hoàn toàn đối tượng ngoài đời thực. Thông qua mạng internet, các đối tượng thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô. Bằng cách này chúng khiến nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền theo yêu cầu của chúng.

 

Theo cơ quan Công An, biện pháp phòng tránh tốt nhất để không mắc bẫy của bọn lừa đảo là người dân cần hết sức cảnh giác, nhất là trước những chiêu trò mời gọi hấp dẫn kiểu như “việc nhẹ, lương cao” “món hời dễ dàng” hoặc là tình huống nguy cấp của người thân... Khi đối diện với những tình huống bất ngờ, người dân cần bình tĩnh, dùng nhiều cách kiểm chứng lại thông tin, liên lạc trực tiếp cho người thân để xác minh (không gọi qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Messenger, Viber, Telegram…). Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ người dân trên không gian mạng như: lập Trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn); cung cấp công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kĩ năng phòng, chống lừa đảo (congcu.khonggianmang.vn). Nếu nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân hãy phản ánh tới đầu số 156 (hoàn toàn miễn phí) để cung cấp thông tin.

Hãy chia sẻ bài viết này với bạn bè và người thân để tăng cường nhận thức về những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại. Chỉ khi chúng ta đồng lòng và đề cao cảnh giác, chúng ta mới có thể bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi sự lừa đảo.

Zalo - Viettel

Tin khác