Bưu chính viễn thông

Ông Thiều Phương Nam: “Mạng 4G là đã đủ để phát triển thành phố thông minh”

31/05/2017 00:00 872 lượt xem

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, mạng 3G không thể ứng dụng trong phát triển thành phố thông minh mà cần phải có 4G, tầm nhìn thành phố thông minh mới trở thành sự thật. Bởi vì, trong công nghệ 4G, có những công nghệ dành riêng cho IoT và smartcity, như LTE-Cat M1 và NarrowBand IoT (NB-IoT).

 

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia

Bộ TT&TT đã cấp giấy phép triển khai 4G vào tháng 10 năm ngoái cho các nhà mạng của Việt Nam. Theo ông Thiều Phương Nam, trong 6 tháng vừa qua, các nhà mạng đã tích cực triển khai mạng 4G tại Việt Nam. Viettel đã ra mắt 4G phủ sóng đến 95% dân cư, các nhà mạng khác như VNPT và MobiFone cũng đã có những bước phát triển và công bố rộng rãi mạng 4G. “Có thể nói trong 6 tháng qua, sau khi nhà mạng nhận được giấy phép của chính phủ, mạng 4G đã được triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam”, ông Nam nói.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang có điều kiện rất thuận lợi là phần lớn smartphone bán tại Việt Nam đã hỗ trợ 4G. Để so sánh, vào năm ngoái, chỉ mới có khoảng 15% thiết bị smartphone cung cấp tại thị trường Việt Nam có hỗ trợ 4G, thì hiện nay tỷ lệ này đã lên tới 75%. Cứ 4 smartphone lại có 3 cái hỗ trợ 4G. Người dùng đã bắt đầu chuyển sang 4G, các nhà mạng cũng cung cấp những giá cước tương đối tốt, rẻ hơn 30-40% so với 3G. Trong năm nay và vài năm tới, sự chuyển dịch từ các thuê bao di động 2G và 3G sang 4G sẽ rất mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ứng dụng của công nghệ mạng lưới 4G không chỉ dừng lại ở kết nối di động, mà 4G là một hạ tầng rất cần thiết và không thể thiếu cho việc triển khai các công nghê IoT và smartcity, cũng như việc triển khai cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 của Việt Nam. “4G chính là nền tảng cối lõi để xây dựng không chỉ nhằm đẩy nhanh tốc độ truy cập trên mạng di động, mà còn để triển khai các dự án thành phố thông minh”, ông Nam cho biết và khẳng định “Công nghệ mạng 4G là đã đủ để triển khai thành phố thông minh, bởi vì trong công nghệ 4G, có những công nghệ dành riêng cho IoT và smartcity, như LTE-Cat M1 và NarrowBand IoT (NB-IoT). Hai công nghệ này là 1 phần của 4G hỗ trợ riêng cho IoT”.

 

Ông Nam cho biết mạng 3G không thể ứng dụng trong phát triển thành phố thông minh mà cần phải có 4G, tầm nhìn thành phố thông minh mới trở thành sự thật.

 
 
 

Chẳng hạn, trong triển khai nông nghiệp thông minh, chúng ta sẽ triển khai những hệ thống như tưới nước tự động, đo độ ẩm, nhiệt độ, triển khai các mô hình trang trại thông minh và tất cả đều cần đến sự kết nối. Các các công nghệ NarrowBand IoT (NB-IoT) và LTE-Cat M1 của mạng 4G sẽ hỗ trợ thiết bị IoT dùng trong nông nghiệp thông minh.

Tuy vậy, khi triển khai xây dựng thành phố thông minh, một vấn đề rất quan trọng là sự kết nối, đồng bộ giữa các ngành, các tỉnh thành smartcity. Thực tế, thành phố thông minh là sự kết hợp của nhiều “ngành thông minh” như giao thông, y tế, giáo dục… và để có sự kết nối, đồng bộ giữa các ngành, các dự án smartcity, cần có chiến lược phát triển smartcity theo một chuẩn chung. Đây là một thực tế khó khăn, không chỉ với Việt Nam mà cả với thế giới, trong việc kết nối, đồng bộ dự án smartcity giữa các ngành, các thành phố, các lãnh thổ khác nhau. Bởi, cho đến nay trên thế giới vẫn chưa có một chuẩn chung nào trong triển khai thành phố thông minh. Vì thế, cần xây dựng những tổ chức phát triển thành phố thông minh, để đưa một chuẩn chung cho smartcity.

Hiện, nay, nhịp độ xây dựng thành phố thông minh đang lên cao trên toàn thế giới và một nghiên cứu mới cho thấy châu Á nổi lên là khu vực đi đầu toàn cầu về thành phố thông minh trong tương lai. Theo báo cáo, trong năm 2016 đã có hơn 235 sáng kiến thành phố thông minh, so với mức 170 sáng kiến năm 2013. Về giá trị thị trường, thành phố thông minh đã vọt lên 14,85 tỷ USD năm 2015 lên mức giá trị dự tính là 34,35 tỷ USD năm 2020, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trên 18%.

Một trong những yếu tố chính của tăng trưởng thành phố thông minh là xu hướng đô thị hóa diễn ra liên tục trên toàn cầu, và đặc biệt là sự phát triển ngày càng cao của công nghệ.

Bảo Bình


Tin khác