Chuyển đổi số

Những nét mới trong chuyển đổi số ở Mèo Vạc

25/11/2022 10:41 5681 lượt xem

Là một địa phương vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về con người, điều kiện hạ tầng số, kinh nghiệm thực hiện Chuyển đổi số…nhưng trong năm 2022, với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã nỗ lực, tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số, mang lại cuộc sống tiện tích, tốt đẹp hơn cho người dân.

Khác với một số địa phương thường triển khai chuyển đổi số theo hướng đại trà, dàn trải, Mèo Vạc lựa chọn tập trung triển khai theo những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Trước tiên, nhận thấy huyện có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch với nhiều phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Mèo Vạc đã ban hành các văn bản, kế hoạch, phát động các phong trào thi đua, triển khai mô hình thí điểm về chuyển đổi số... Trong năm 2022, huyện Mèo Vạc đã đầu tư hơn 120 triệu đồng để triển khai lắp đặt wifi công cộng tại sân vận động huyện gắn với Cẩm nang du lịch huyện Mèo Vạc (tại địa chỉ website: dulich.ha-giang.net) và niêm yết 250 mã QR code Cẩm nang du lịch giới thiệu về các điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, các gian hàng bán sản phẩm địa phương và các dịch vụ khác của huyện Mèo Vạc, tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu thông tin và liên hệ mua sắm các dịch vụ; xây dựng website: langmongmeovac.com để quảng bá làng văn hóa du lịch cộng động dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, được du khách đánh giá cao; đầu tư mua sắm trang thiết bị livestream để quảng bá văn hóa, du lịch địa phương. Ngoài ra, 100% các cơ sở lưu trú trên địa bàn thị trấn Mèo Vạc và xã Pả Vi đều sử dụng dịch vụ booking.com để giúp du khách đặt phòng thuận lợi.

Bên cạnh đó, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện phần mềm tin nhắn du lịch để theo dõi số liệu du khách đến tham quan huyện hằng ngày từ năm 2018 đến nay. Chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Kết quả đã có 68 doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh triển khai thực hiện thanh toán hóa đơn điện tử; 470 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cài đặt QR code thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có 98% cơ sở kinh doanh dịch lưu trú và ăn uống.

(Công ty cổ phần thủy điện Nho Quế 1 đã triển khai vé điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt đối với khách du lịch đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1)

Trong lĩnh vực giáo dục, huyện Mèo Vạc còn thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh ở bậc Tiểu học (18 trường học chỉ có 01 trường có 01 giáo viên tiếng Anh), để giải quyết bài toán thiếu giáo viên giảng dạy tiếng Anh, trong tháng 9.2022, với sự hỗ trợ giúp đỡ của Trường Marie Curie Hà Nội (bố trí 1,5 tỷ đồng hợp đồng 20 giáo viên tiếng Anh), huyện Mèo Vạc đã bố trí hơn 500 triệu đồng đầu tư lắp đặt trang thiết bị phòng học để triển khai mô hình giảng dạy tiếng Anh trực tuyến (mô hình lớp học ảo) cho học sinh lớp 3 của 18 trường Tiểu học trên địa bàn huyện, đã được các cấp, các ngành của tỉnh đánh giá cao. Đây là minh chứng hiệu quả bước đầu về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục của huyện.

(Chỉ cần dùng zalo trên điện thoại quét mã QR code Cẩm nang du lịch Mèo Vạc hoặc vào website: dulich.ha-giang.net, du khách sẽ dễ dàng mua sắm hàng hóa tại Mèo Vạc)

Có thể nói rằng, việc triển khai chuyển đổi số của huyện Mèo Vạc đã đạt được một số kết quả tiêu biểu, góp phần từng bước thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền đối với nhân dân và đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan.

Quỳnh Lưu (Mèo Vạc)

Tin khác