Những thửa ruộng bậc thang nhiều tầng bậc, uốn lượn mềm mại quanh các sườn núi ở Hoàng Su Phì luôn có sức hút kỳ lạ với du khách thập phương, nhất là vào những ngày tháng 5, tháng 6 - thời điểm nước bắt đầu tràn về “đánh thức” vùng đất phía tây Hà Giang sau những ngày khô hạn.
Nằm ở phía tây của tỉnh Hà Giang, mảnh đất Hoàng Su Phì từ lâu đã nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang nhiều tầng bậc, trải dài từ ven suối lên đến đỉnh núi, xen lẫn trong đó là những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè shan tuyết cổ thụ, những ngôi nhà và những dòng sông, khe suối…
Cảnh quan ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì đẹp nhất là vào mùa nước đổ (mùa chuẩn bị cấy) từ tháng 4 đến tháng 6 và mùa lúa chín từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10 hàng năm.
Đến hẹn lại lên, những ngày này nước đang bắt đầu tràn về trên những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, báo hiệu một trong những thời điểm đẹp nhất trong năm đã đến - mùa nước đổ.
Lúc này, người dân địa phương sẽ tận dụng nguồn nước từ trên cao đổ về ruộng để canh tác.
Nước về "đánh thức" những thửa ruộng bậc thang tại xã Thèn Chu Phìn sau những tháng ngày khô hạn.
Phải mất đến hàng trăm năm, cộng đồng các dân tộc ở Hoàng Su Phì từ thế hệ này sang thế hệ khác cần cù lao động, cùng với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và những nông cụ thô sơ mới tạo nên những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ như ngày nay.
Đến Hoàng Su Phì vào mùa nước đổ, cùng với vẻ đẹp kỳ vỹ, nguyên sơ mà đất trời ban tặng, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng nét đẹp lao động của đồng bào vùng cao đang tất bật chuẩn bị cho một vụ mùa mới.
Đặc biệt, nếu muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp vào mùa nước đổ, những thửa ruộng bậc thang của người Dao tại xã Bản Luốc là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến với Hoàng Su Phì.
Toàn huyện hiện có trên 9.000 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 24 xã, thị trấn, trong đó có 675 ha đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang, trải đều tại 11 xã gồm: Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Thàng Tín, Nậm Khòa, Pố Lồ, Bản Nhùng, Tả Sử Choóng.
Phóng tầm mắt từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang ở Tả Sử Choóng với vô vàn tầng bậc loang loáng nước, trải dài trên khắp các triền đồi, sườn núi với những mảng màu đa sắc giữa mênh mông đất trời tựa như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ giữa đại ngàn.
Mỗi dân tộc lại vận dụng những cách thức khác nhau để đưa nước về ruộng, nhưng thường phụ thuộc vào địa hình và khoảng cách từ nguồn nước đến chân ruộng. Cũng do sự khác biệt trong phương thức canh tác của từng tộc người mà ở mỗi nơi du khách sẽ có những cảm nhận khác nhau khi đứng ngắm những cánh đồng bậc thang ở Hoàng Su Phì.
Bản Phùng là một trong những địa điểm đón nước về sớm nhất ở Hoàng Su Phì. Sở hữu một trong những danh thắng ruộng bậc thang vào loại đẹp nhất Việt Nam, ruộng bậc thang tại xã Bản Phùng gắn với thành quả lao động hàng mấy trăm năm của người La Chí.
Dạo quanh khu vực trung tâm xã Bản Phùng, đâu đâu cũng thấy ruộng bậc thang. Ruộng có khi nằm cheo leo trên lưng chừng núi, trên cả đường đi, có khi nối liền từ đỉnh núi xuống tận khe suối với độ cao hàng trăm mét.
Nước tràn về trên khắp các thửa ruộng bậc thang uốn lượn chồng lên nhau thành từng lớp, lấp lánh như những tấm gương phản chiếu mây trời.
Canh tác ruộng bậc thang vốn dĩ chỉ là cách mưu sinh, là sự sáng tạo của đồng bào các dân tộc để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên chính sự sáng tạo đó vô hình chung đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang giàu tính nghệ thuật, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng du khách khi đến với Hoàng Su Phì.
Nhãn