Hoàng Su Phì những ngày tháng 5, tháng 6 - khi những cơn mưa mùa hạ bắt đầu trút xuống, nước tràn về trên những thửa ruộng bậc thang tựa như những tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời, núi rừng Tây Bắc… biến mảnh đất phía tây của tỉnh Hà Giang trở thành điểm hẹn của nhiều du khách, nhất là các “phượt thủ” hay giới “săn ảnh”.
Đến với Hoàng Su Phì những ngày giữa tháng 5, không gian huyện vùng cao mở ra giống như một bức tranh thiên nhiên “khổng lồ” với những thửa ruộng bậc thang lấp lánh nước, có khi nằm cheo leo trên lưng chừng núi, trên cả đường đi, có khi nối liền từ đỉnh núi xuống tận khe suối với độ cao hàng trăm mét, xen lẫn trong đó là những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè shan tuyết cổ thụ, những ngôi nhà và những dòng sông, khe suối…
Chẳng thế mà trên cung đường đến với Hoàng Su Phì thời điểm này, thường bắt gặp hình ảnh từng tốp “phượt thủ” nối thành hàng dài nhằm hướng các xã như Thông Nguyên, Bản Luốc, Bản Phùng, Tả Sử Choóng…, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất của Su Phì. Thỉnh thoảng còn bắt gặp vài nhóm du khách dừng xe bên đường vừa hít hà không gian đậm chất nguyên sơ của núi rừng vừa lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp bên những thửa ruộng bậc thang.
Biến núi đồi thành những "tòa tháp" bậc thang hùng vĩ
Nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông, La Chí,… Mảnh đất Hoàng Su Phì từ lâu đã nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất của Hà Giang, trải dài mênh mông khắp các sườn núi, vốn được coi là minh chứng cho nghị lực phi thường và khả năng cải tạo, chinh phục tự nhiên của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Theo ông Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp trong huyện. Đây là hình thức canh tác trên đất dốc ở sườn núi, tạo ra các tầng bậc, rồi dẫn nước từ trên núi xuống tạo thành các thửa ruộng bậc thang để canh tác lúa.
Toàn bộ địa hình Hoàng Su Phì nằm trên sườn phía tây nam của dãy núi Tây Côn Lĩnh, có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều con suối thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc, cộng thêm khí hậu tương đối khắc nghiệt, gây khó khăn cho việc canh tác… Tuy nhiên, để thích ứng với tự nhiên, người dân Hoàng Su Phì phải mất đến hàng trăm năm cần cù lao động, dãi dầm mưa nắng cùng với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và những nông cụ thô sơ đã biến mảnh đất vùng cao trở thành những “tòa tháp” bậc thang màu mỡ và hùng vĩ như ngày nay. Bởi thế, mỗi triền ruộng với độ dài hàng chục tới vài chục bậc thang nơi đây đều gắn với lịch sử cư trú qua nhiều thế hệ của các cư dân nông nghiệp Hoàng Su Phì.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Tuân cho biết: Phương thức canh tác ruộng bậc thang của mỗi dân tộc có đôi nét khác biệt. Như khi lựa chọn đất canh tác, người Dao Đỏ ở xã Hồ Thầu thường chỉ chọn những khu vực đất có độ dốc không lớn để làm ruộng bậc thang và trồng cây xung quanh khu ruộng của mình để giữ đất, tránh bị sạt lở. Còn với người La Chí ở xã Bản Phùng, do địa bàn cư trú chủ yếu là đồi núi cao, đất dốc, nguồn nước khan hiếm nên đất được lựa chọn để khai phá trước hết phải gần nguồn nước và thuận lợi trong việc dẫn nước về ruộng.
|
Trong quá trình canh tác, việc đắp bờ ruộng đóng vai trò quan trọng và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Người La Chí dùng cuốc cào đất thành bờ, đất làm bờ lấy ngay trong ruộng, chỗ nào thấp và thiếu đất thì lấy thêm đất đắp vào, sau đó dùng chân nén chặt bờ ruộng. Khác với người La Chí, người Dao Đỏ lấy đất ở thành bờ ruộng phía trên để đắp bờ phía dưới, họ không lấy đất trong ruộng vì cho rằng đất trong ruộng là đất màu, đất tốt đã được cải tạo phải giữ lại để trồng lúa. Tiếp đó, đến công đoạn đưa nước về ruộng, mỗi dân tộc lại vận dụng những cách thức khác nhau nhưng thường phụ thuộc vào địa hình và khoảng cách từ nguồn nước đến chân ruộng. |
Do có sự khác biệt trong phương thức canh tác của từng tộc người nên ở mỗi nơi du khách sẽ có những cảm nhận khác nhau khi ngắm nhìn những cánh đồng bậc thang ở Hoàng Su Phì. Đó có thể là những thửa ruộng đồ sộ cao hàng trăm mét như ở Bản Phùng, những thửa ruộng vòng kín một quả đồi như ở Thông Nguyên, Nậm Ty, hay những triền ruộng bậc thang hình lượn sóng, hình cánh cung như ở Bản Luốc, Sán Sả Hồ...
Gắn liền với đó là những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc như người La Chí có tập quán “ruộng đâu nhà đấy” và không dùng bò làm vật kéo, còn với người Dao Đỏ lại thường làm ruộng xa nhà, khi cấy lúa họ đi tiến về phía trước chứ không đi giật lùi như cách cấy của các dân tộc khác. Cũng theo ông Tuân, canh tác ruộng bậc thang vốn dĩ chỉ là cách mưu sinh, là sự sáng tạo của đồng bào các dân tộc để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên chính sự sáng tạo đó vô hình chung đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang giàu tính nghệ thuật, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng du khách khi đến với Hoàng Su Phì. |
|
Tiềm năng phát triển du lịch bền vững
Theo thống kê, toàn huyện Hoàng Su Phì hiện có trên 3.720 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 24 xã, thị trấn, trong đó có 675 ha đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang tại 11 xã gồm: Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Thàng Tín, Nậm Khòa, Pố Lồ, Bản Nhùng, Tả Sử Choóng.
Từ sau khi được công nhận là Danh thắng quốc gia vào các năm 2011 và 2016, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ngày càng nổi tiếng, trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng đất phía tây Hà Giang nhờ những giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan giàu tính nghệ thuật.
Xác định đây là điều kiện tốt, là cơ hội để phát triển du lịch, đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Những năm qua địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng tạo dựng thương hiệu gắn với di sản ruộng bậc thang. Qua đó nhằm quảng bá di sản, thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư đến với Hoàng Su Phì, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, địa phương chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, mạo hiểm gắn với trải nghiệm di sản ruộng bậc thang, trong đó du lịch cộng đồng là sản phẩm chủ yếu. Toàn huyện đang duy trì hoạt động và triển khai xây dựng 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó làng VHDL thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên đã được công nhận Điểm du lịch của tỉnh. Cũng nhờ thế mạnh về địa hình, ruộng bậc thang và sự nguyên sơ trong văn hóa các dân tộc, huyện đã bước đầu phát triển thành công loại hình du lịch đi bộ dã ngoại (trekking) và lưu trú tại nhà dân (homestay).
Đặc biệt, từ năm 2012, chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” được Hoàng Su Phì tổ chức định kỳ hàng năm gắn với mùa lúa chín cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đã trở thành sự kiện thường niên gắn với thương hiệu du lịch Hoàng Su Phì.
Đến với Hoàng Su Phì thời điểm này, không chỉ được khám phá danh thắng di sản ruộng bậc thang mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Bay dù lượn trên những thửa ruộng bậc thang; tham gia thu hoạch lúa; khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa của các dân tộc; bắt cá chép ruộng; thưởng thức nghệ thuật pha trà; đua mô tô mạo hiểm;…
Huyện cũng đã và đang vận dụng các cơ chế chính sách để mời gọi, thu hút đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, trong đó chú trọng các dịch vụ về ăn nghỉ, vui chơi giải trí và mua sắm, từng bước xây dựng, nâng cấp hệ thống dịch vụ du lịch nhằm đưa danh thắng quốc gia ruộng bậc thang của huyện thành khu du lịch cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đức Tân thông tin thêm: Đến nay trên địa bàn Hoàng Su Phì đã có đường ô tô đến trung tâm các xã đảm bảo thông suốt qua các mùa. Hệ thống giao thông đến huyện cơ bản đã thông tuyến, đi lại thuận tiện; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách; đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu về du lịch; mở các tour, tuyến du lịch tham quan giữa các vùng miền, nối những điểm đẹp nhất để có thể ngắm ruộng bậc thang như Bản Phùng, Thông Nguyên, Bản Luốc...
|
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua hoạt động phục dựng, trình diễn các lễ hội truyền thống, đặc biệt lễ hội liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp như: Lễ gọi hồn lúa của dân tộc Dao, tết Khu cù tê, tết mừng cơm mới, lễ mở kho xin giống của dân tộc La Chí, lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao. |
Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đang từng bước khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch, được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Du lịch phát triển đã đem lại nhiều thay đổi cho mảnh đất vùng cao, giúp tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con trong vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu như năm 2022 lượng du khách đến huyện đạt 94.250 lượt khách, trong đó khách nước ngoài trên 2 nghìn lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 80,2 tỷ đồng. Đến năm 2023 du lịch Hoàng Su Phì bứt phá với khoảng 158 nghìn lượt khách tham quan, lưu trú, trong đó có 1.250 khách nước ngoài, doanh thu đạt khoảng 134,3 tỷ đồng. Đặc biệt tính riêng trong 2 tháng mùa vàng tháng 9,10 năm 2023, với trên 42 nghìn lượt khách du lịch cùng mức doanh thu trên 38 tỷ đồng đã tạo nên một mùa du lịch bội thu đối với vùng đất phía tây Hà Giang.
Đến hẹn lại lên, Hoàng Su Phì những ngày này đang bước vào mùa nước đổ. Những thửa ruộng bậc thang sau những tháng ngày khô hạn được “đánh thức” bởi những cơn mưa hạ đầu mùa, nước tràn về trên từng thửa ruộng tựa như những tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời, núi rừng Tây Bắc… biến mảnh đất phía tây của tỉnh Hà Giang trở thành điểm hẹn của nhiều du khách, nhất là các “phượt thủ” hay giới “săn ảnh”. |
|
Theo người dân địa phương, mùa nước đổ ở Hoàng Su Phì thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6, tiếp đó đến mùa lúa chín, từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Đó là thời điểm Hoàng Su Phì khoác lên mình chiếc áo mới vô cùng bắt mắt với những “biển lúa” vàng ruộm đến tận chân trời. Mỗi mùa Hoàng Su Phì lại mang một vẻ đẹp riêng, nhưng mùa nước đổ và mùa lúa chín là hai thời điểm đẹp nhất nên cũng là lúc địa phương đón đông du khách nhất trong năm.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định Hoàng Su Phì thuộc không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình), trong đó lấy di tích danh thắng Ruộng bậc thang, địa hình núi cao ở Tây Côn Lĩnh làm trọng tâm phát triển. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh nơi thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc cùng nhiều suối khoáng nóng, gắn liền với đó là những điểm thăm quan độc đáo cùng sự đa dạng về văn hoá của các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Mông, La Chí... Sự kết hợp của những yếu tố đó đã trở thành lợi thế tạo nên không gian du lịch đặc sắc phía tây Hà Giang.
Theo thông tin mới nhất từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện các chuyên gia đang đề xuất tỉnh mở rộng vùng Công viên địa chất sang khu vực các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, nơi gắn liền với sản phẩm du lịch tiêu biểu của khu vực phía tây tỉnh Hà Giang là Danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Do đó ngành đang đề xuất tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch tại khu vực này để góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, các chuyên gia cũng như sự quan tâm của cộng đồng đến nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ cho tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ và củng cố thông tin tới mạng lưới.
Trong tương lai không xa, điều này cũng sẽ giúp Hà Giang có thêm những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn phục vụ du khách và giúp giảm tải lượng khách đang không ngừng tăng cho vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đón 4 đến 5 triệu lượt khách vào năm 2024, 2025 và hướng tới tranh cử hạng mục Hà Giang điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu châu Á, hàng đầu thế giới vào năm 2024.
Nhãn